Công Ty Tân Sáng Tạo - TSTCORP.COM.VN

Công Ty Tân Sáng Tạo - TSTCORP.COM.VN

Công Ty Tân Sáng Tạo - TSTCORP.COM.VN

Nhà kính có thực sự đe dọa môi trường?

(ĐTTCO) - Gần đây, báo chí trong nước dẫn lời nhiều quan chức và nhà khoa học trong nước, cho rằng việc các hộ nông dân ở Đà Lạt canh tác bằng nhà nylon (nhà kính) đã góp phần làm biến đổi khí hậu Đà Lạt, chịu trách nhiệm lớn cho trận ngập lụt lịch sử vừa qua. Để cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hơn, chúng tôi đã tìm hiểu các tài liệu nước ngoài về vấn đề tác động môi trường từ hoạt động canh tác bằng nhà kính.
Thủ phạm gây lũ lụt?
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời TS. Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, cho rằng hiện tượng nóng cục bộ, lũ quét, ngập lụt trong thời gian ngắn là những chỉ dấu quan trọng cho thấy hậu quả của việc xây dựng nhà kính ồ ạt. Báo này cũng cho biết không chỉ TS. Long, nhiều nhà khoa học khác đã cảnh báo với cơ quan chức năng rằng nhà kính đã và đang phá hủy cảnh quan mộng mơ và "sức khỏe" hệ sinh thái của Đà Lạt, dẫu cho phương pháp canh tác này mang lại lợi ích kinh tế rất lớn nhờ năng suất cao.
Chẳng hạn, theo TS. Lâm Ngọc Tuấn (ngành môi trường, Đại học Đà Lạt), tần suất lũ ở Đà Lạt và vùng lân cận ngày càng dày hơn trong 7 năm gần đây có nguyên nhân rất lớn từ việc gia tăng ồ ạt diện tích sản xuất nông nghiệp trong nhà kính, nhất là vùng dọc 2 bên suối Cam Ly - con suối xương sống có vai trò dẫn nước và thoát nước cho Đà Lạt. "Về lý thuyết những vùng đất có nhà kính hệ số thấm nước bằng không. Có nghĩa mưa đổ xuống rơi trên những tấm nylon và đổ ra suối, không thấm vào đất. Lượng nước này đổ ra suối trong thời gian ngắn khiến nước dâng cao đột ngột, tạo lũ với tốc độ chảy mạnh. Như vậy dù mưa không to nhưng vẫn xảy ra lũ, lụt. Nếu mưa to hậu quả không còn nằm trong tầm kiểm soát" - TS. Tuấn phân tích.

 


Nhà kính ở Westland, Hà Lan.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh có 4.500ha nhà kính, 1.222ha nhà lưới, riêng TP Đà Lạt 2.800ha nhà kính (chiếm hơn 60% tổng diện tích, bao gồm 1.244ha trồng rau và 1.590ha trồng hoa). Việc canh tác bằng nhà kính làm nước mưa không được thấm xuống tầng đất, có khả năng làm giảm mực nước ngầm và tăng nguy cơ ngập cục bộ. Từ những đánh giá, kết luận của các nhà khoa học và cơ quan chức năng, truyền thông trong nước kêu gọi nông dân Đà Lạt dũng cảm bỏ nhà kính, quay lại cách công tác truyền thống để giữ gìn một Đà Lạt mộng mơ và hiền hòa. Điều này đang gây sức ép rất lớn cho những người làm nông ở xứ mộng xứ mơ, vì đầu tư nhà kính không hề rẻ tiền, quan trọng hơn quay về cách canh tác truyền thống đồng nghĩa sẽ giảm thu nhập nghiêm trọng. Một câu hỏi lớn được đặt ra: Trên thế giới, canh tác nhà kính là phương thức từ lâu đời và phổ biến, vậy họ có gặp vấn đề tương tự? 
Nhìn từ Hà Lan
Theo Wikipedia, việc canh tác bằng nhà kính được thực hiện từ những năm 1450, ở bán đảo Triều Tiên. Hiện nay, canh tác nhà kính chiếm diện tích lên đến 3.642.170ha. Quốc gia dẫn đầu về canh tác nhà kính là Hà Lan, nơi có tới 10.526ha diện tích đất nhà kính. Chính nhờ canh tác bằng nhà kính, đất nước nhỏ bé này đã trở thành nhà xuất khẩu lương thực đứng thứ 2 thế giới. Với tổng diện tích chỉ 41.543km2 và dân số hơn 17 triệu người, năm 2017 Hà Lan đã xuất khẩu gần 92 tỷ USD nông sản, chỉ đứng sau Mỹ, nước có diện tích lớn hơn gấp 270 lần. 
Theo đánh giá trên National Geographic, nông dân Hà Lan làm được điều này vì năng suất canh tác của họ cao nhất thế giới. Trong khi năng suất trung bình toàn cầu của khoai tây trên 1 mẫu Anh là khoảng 9 tấn, nhiều trang trại ở Hà Lan sản xuất hơn 20 tấn. Kể từ năm 2000, nông dân Hà Lan đã giảm sự phụ thuộc vào nước cho các loại cây trồng chính tới 90%, và gần như loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học trên cây trồng trong nhà kính. Trong chăn nuôi gia cầm, kể từ năm 2009, các nhà sản xuất đã cắt giảm tới 60% việc sử dụng kháng sinh. Hơn một nửa diện tích đất được sử dụng cho nông nghiệp và làm vườn, trong khi có những khu nhà kính cực lớn, diện tích 175 mẫu Anh (0,7km2), được trang bị ánh sáng nhân tạo. 
Với 80% đất canh tác nằm dưới kính, cây trồng có thể phát triển suốt ngày đêm, trong mọi loại thời tiết tại các trang trại kiểm soát khí hậu. Các nhà kính của họ có đầy đủ thiết bị để sưởi ấm, làm mát, chiếu sáng và có thể được điều khiển bằng máy tính để tối ưu hóa các điều kiện cho sự phát triển của cây. Các kỹ thuật khác nhau sau đó được sử dụng để đánh giá mức độ tối ưu và tỷ lệ thích hợp của vi khí hậu nhà kính (nhiệt độ không khí, độ ẩm tương đối và thâm hụt áp suất khí) để giảm rủi ro sản xuất trước khi canh tác một loại cây trồng cụ thể… Ngày nay, người Hà Lan không chỉ có nhà kính trên đất, mà cả nhà kính trên nước, gọi là "floating greenhouses".

Đánh giá tác động môi trường nhà kính
Trang Environment Blog đã có bài viết đánh giá vấn đề này vào năm 2016. Thứ nhất, xét về nguyên vật liệu xây dựng nhà kính. Có 2 loại nhà kính phổ biến trên thế giới, là nhà kính bằng kính (thủy tinh) và nhà kính bằng nylon. Theo Environment Blog, việc xây dựng nhà kính (thủy tinh) thường khá đơn giản và sản xuất thủy tinh dù đòi hỏi sử dụng năng lượng nhưng nó là một sản phẩm có thể tái chế. Mặt khác, khung nhà kính có thể được làm từ gỗ hoặc nhôm. Việc sản xuất nhôm đòi hỏi lượng năng lượng rất lớn. Vì vậy, cấu trúc nhà kính bằng nhôm sẽ có một số tác động môi trường nhưng tất cả vật liệu đều được sử dụng lâu dài và có thể tái chế hoàn toàn.
Thứ hai, về phương pháp sử dụng. Nhà kính được phân loại là nhà lạnh, ấm hoặc nóng và có các yêu cầu năng lượng khác nhau. Đơn giản nhất là nhà lạnh không sử dụng hình thức sưởi ấm nào khác ngoài tia nắng mặt trời. Nhà ấm được sưởi ấm sớm và có thể vào cuối mùa phát triển và nhà nóng có sưởi ấm quanh năm. Nhiều loại sưởi ấm được sử dụng bao gồm parafin và lò sưởi điện cả 2 đều có thể trực tiếp hoặc gián tiếp đóng góp vào lượng khí thải carbon dioxide. Nhưng dioxide lại được sử dụng để làm thức ăn cho cây trồng. Thực vật được trồng trong môi trường giàu carbon dioxide cho thấy sự tăng trưởng tốt hơn. Mặc dù nổi tiếng là "nhân vật phản diện", carbon dioxide là một chất dinh dưỡng thiết yếu của thực vật.
Thứ ba, quy mô nhà kính. Ở quy mô nhỏ, nhà kính thường tồn tại dưới dạng nhà nylon hay nhà poly. Loại nhà kính này xuất hiện phổ biến ở các nước đang phát triển như Việt Nam, nó cung cấp nhiều lợi thế của nhà kính truyền thống nhưng lại rất hiệu quả về chi phí. Một nhà nylon chỉ cần khung sườn bằng tre hay ống nước. Loại nhà kính này hiếm khi được làm nóng, nên chúng có tác động môi trường không đáng kể và các vật liệu được sử dụng có thể tái chế hoàn toàn. 
Lớn hơn nhà nylon là nhà kính thương mại. Đây là những nhà kính lớn, nơi nhiều cây non và cây lương thực được trồng. Các điều kiện phát triển dễ kiểm soát hơn nhiều so với nhà poly và hệ thống sưởi và thông gió được theo dõi cẩn thận. Việc sử dụng hệ thống sưởi và thông gió làm tăng thêm tác động môi trường của các địa điểm lớn này, nhưng từ quan điểm tài chính, điều này được bù đắp bởi khả năng sản xuất các loại cây trồng có giá trị cao đáng tin cậy.
Quy mô lớn nhất là nhà nóng công nghiệp. Đây là những "người khổng lồ" của thế giới nhà kính, cung cấp các điều kiện phát triển lý tưởng quanh năm cho phép cây trồng được sản xuất với độ chính xác và độ tin cậy cấp nhà máy. Nhiệt độ và không khí bên trong thường được theo dõi bằng máy tính và ánh sáng nhân tạo được sử dụng để tăng cường sự phát triển. Các yêu cầu carbon của các nhà máy thường được bổ sung bằng sự ra đời của khí carbon dioxide. Điều này thực sự chỉ có thể được mô tả như “nhà máy trồng trọt”. Việc lắp đặt như vậy liên quan đến đầu tư ban đầu và tác động môi trường đáng kể nhưng là một cách hiệu quả để sản xuất thực phẩm trên quy mô lớn. 
Vì vậy, các nhà kính đều có thể giúp tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng hàng đầu không bao giờ có thể đạt được ngoài trời và chúng sử dụng đất rất hiệu quả. Lợi ích của nhà kính đối với môi trường khác nhau từ việc không có tác động đến việc các nhà sản xuất đói năng lượng. Tuy nhiên, ngay cả các công trình lắp đặt lớn nhất cũng có ít tác động đến môi trường so với hầu hết ngành công nghiệp, vì nhà kính thường sử dụng nhiệt thải tái chế và sử dụng các điều khiển khí quyển tinh vi với ánh sáng, năng lượng thấp và mức độ cách nhiệt cao. 

Quan trọng là quy hoạch
Như vậy, vấn đề môi trường lớn nhất của canh tác nhà kính, theo Environment Blog, không phải lũ lụt, mà là việc sử dụng năng lượng. Nhưng theo họ, hiệu quả canh tác nhà kính dư sức bù vào việc sử dụng năng lượng cho nhà ấm và nhà nóng. Với nhà lạnh và nhà mát, ở xứ lạnh như Đà Lạt gần như không cần năng lượng. Vậy tại sao nhà kính ở Đà Lạt lại là nhân tố gây lũ lụt? Đó chính là vấn đề quy hoạch. Tình trạng để người dân làm nhà kính tự phát và không theo quy hoạch, không đúng quy chuẩn đã dẫn đến việc nước mưa không được hấp thụ tốt vào lòng đất. Và đây là lỗi của nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý, chứ không hoàn toàn do người dân.
Theo ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, ngành nông nghiệp đã đề xuất UBND tỉnh ban hành tiêu chuẩn về nhà kính, nhà lưới trong đó có quy định về thiết kế và mật độ xây dựng nhà kính tối đa 80%, phần còn lại là diện tích cây xanh, đường nội đồng. Quy định về cấp phép xây dựng, mật độ nhà kính tùy vào từng vùng. 
Về lâu dài, nếu áp dụng các quy chuẩn đã được xây dựng, người dân khi dựng nhà kính cần thực hiện đồng bộ về độ dốc, hệ thống thoát nước. Cần xác định được khu nào nên xây dựng nhà kính, khu vực nào đủ sức tiêu thoát được nước mưa cho phần diện tích tại chỗ hay từ thượng nguồn.  
Việc quy hoạch nhà kính lẽ ra các cơ quan ban ngành phải làm từ lâu, không phải đợi đến khi xảy ra ngập lụt mới đề xuất, và trong khi chờ đợi lại đổ hết lỗi lên đầu người nông dân, gây sức ép họ phải “chuyển đổi".

Chia sẻ: